Thiết bị báo cháy không dây do Cục công nghiệp an ninh nghiên cứu và sản xuất

Trích dẫn bài tham luận tại hội thảo về ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực PCCC – tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2024.

1. Giới thiệu về cục công nghiệp an ninh

Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, thuộc Bộ công an, là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh, là ngành đặc thù. Theo đề xuất tại khoản 2 Điều 3 Điều 2 Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, công nghiệp an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ:

– Nghiên cứu, phát triển, sản xuất, sửa chữa, cải tiến phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; sửa chữa vũ khí phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại;

– Bảo đảm phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác;

– Tham gia phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

– Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh và các nhiệm vụ khác..

Triển lãm về thiết bị báo cháy - chữa cháy và an ninh an toàn Secutech 2024

Triển lãm về thiết bị báo cháy – chữa cháy và an ninh an toàn Secutech 2024

2. Thực trạng về hệ thống PCCC trong nhà ở kết hợp SX-KD hiện nay

Do thực tế đang tồn tại rất nhiều nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, có nhiều tồn tại khó khắc phục về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Các loại nhà này thường gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) do diện tích hạn chế, kiến trúc phức tạp và sự kết hợp nhiều chức năng trong cùng một không gian. Chính vì thế, nguy cơ cháy nổ tại các khu vực này luôn ở mức cao, đòi hỏi các giải pháp an toàn PCCC phải linh hoạt và hiệu quả hơn.

Thực trạng đang diễn ra phổ biến ở các đô thị Việt Nam là mô hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hầu như không đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đa số các nhà đã được xây dựng từ lâu không lắp đặt hệ thống PCCC ngay từ đầu. Việc thiếu các biện pháp an toàn này càng trở nên nghiêm trọng khi các công trình này thường xuyên thay đổi công năng sử dụng so với giấy phép ban đầu. Ban đầu mục đích là để ở, nhưng do các điều kiện về mặt đô thị hóa đã chuyển đổi thêm mục đích kinh doanh khác, làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Ngoài ra, nhiều nhà còn cải tạo, nâng cấp quy mô nhằm mở rộng diện tích kinh doanh mà không chú ý đến các quy định an toàn PCCC. Điều này làm gia tăng các yếu tố nguy hiểm và khó kiểm soát khi xảy ra hỏa hoạn. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý cũng như chế tài cho các nhà đang sử dụng chưa đồng bộ và chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý, giám sát và xử lý các vi phạm về an toàn PCCC. Sự hiểu biết và ý thức của người dân về PCCC cũng chưa cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu bức thiết của người dân cần có giải pháp để trang bị trang bị hệ thống pccc như thế nào cho an toàn, đúng quy định và tiết kiệm về mặt chi phí.  Đối với những nhà/công trình đã xây dựng và sử dụng từ trước khi có quy định mới, cần có hướng dẫn khắc phục, nâng cao năng lực PCCC và an toàn.

 

Để tìm giải pháp cho nhu cầu bức thiết đó, Cục công nghiệp an an ninh đã tổ chức nghiên cứu, chế tạo, và thử nghiệm các giải pháp phù hợp.  Trong đó tập trung vào hai nội dung:

  • Hệ thống báo cháy thông minh không dây, dễ lắp đặt, dễ vận hành và có kết nối với các thiết bị thông minh như hệ thống quản lý toà nhà, ứng dụng điện thoại di động, điện toán đám mây …
  • Hệ thống chữa cháy tự động dạng đóng gói, đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm không gian vì hầu hết các nhà ở kết hợp SXKD đều là nhà mặt phố, rất khó cải tạo để xây dựng bể nước chữa cháy đủ tiêu chuẩn theo các quy định đã ban hành trước đây.

 

3. Hệ thống báo cháy tự động không dây do Cục công nghiệp an ninh nghiên cứu và sản xuất

Xuất phát từ việc nghiên cứu Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy, trong đó tiêu chuẩn 7568 phần 14, ban hành năm 2015, cho phép sử dụng đường truyền vô tuyến để liên kết các thiết bị trong hệ thống báo cháy tự động thay cho dây dẫn.  Cục công nghiệp an ninh đã phối hợp với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước triển khai nghiên cứu, thử nghiệm và chế tạo thành công bộ thu phát tín hiệu bằng sóng vô tuyến công suất thấp, ứng dụng trong thiết bị báo cháy tự động.

Mở rộng tìm hiểu về các tiêu chuẩn liên quan trên thế giới, chúng tôi nhận thấy, tại Châu Âu và Mỹ đều có tiêu chuẩn cho phép sử dụng sóng vô tuyến làm bộ phận liên kết để kết nối các thiết bị trong hệ thống báo cháy.  Cụ thể là tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ NFPA 72 và tiêu chuẩn Châu Âu EN-54.

Cũng từ việc học hỏi kinh nghiệm ứng dụng tại Mỹ và Châu Âu, chúng tôi đã thiết kế chia bộ sản phẩm thiết bị báo cháy thành 2 dòng:

  • Hệ thống báo cháy tự động không dây, gồm đầy đủ tủ trung tâm báo cháy, chuông – đèn – nút nhấn và các loại đầu báo cháy, module giám sát, module điều khiển – dành cho nhà từ 5 tầng trở lên
  • Thiết bị báo cháy cục bộ – trong đó các đầu báo cháy không dây liên kết với nhau mà không cần đến tủ trung tâm báo cháy – phù hợp với nhà dưới 5 tầng.

Vào thời điểm ban đầu của dự án nghiên cứu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì khi đó hệ thống báo cháy không dây còn mới, ngay cả tại các nước phát triển, và chưa có những quy định cụ thể tại Việt Nam cho phép sử dụng hệ thống báo cháy tự động không dùng dây dẫn tín hiệu.

 

Tuy nhiên, ngay sau đó, công tác nghiên cứu đã được tạo đà phát triển mạnh mẽ nhờ một loạt các hành động cụ thể, quyết liệt và kịp thời từ Cục cảnh sát PCCC và CNCH và Bộ khoa học & công nghệ.  Các quy định mới, tiêu chuẩn mới đã lần lượt được ban hành và hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho việc sử dụng thiết bị báo cháy không dây.

Cụ thể, các tiêu chuẩn như TCVN 5738:2021 – Hệ thống báo cháy tự động trong đó lần đầu tiên đưa ra khái niệm và một số quy định về hệ thống báo cháy tự động không dây.  TCVN 7568 phần 25 – ban hành năm 2021 – về tiêu chuẩn kỹ thuật và phương pháp thử đối với thiết bị báo cháy không dây và TCVN 3890:2023 – đưa ra giải pháp cho phép trang bị thiết bị báo cháy cục bộ cho loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và một số loại nhà/công trình khác.

Những tiêu chuẩn này giúp đơn giản hóa quy trình lắp đặt, giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả phát hiện và xử lý đám cháy.  Đồng thời cũng góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Hội thảo khoa học về thiết bị báo cháy tại Cục công nghiệp an ninh

Hội thảo khoa học về thiết bị báo cháy tại Cục công nghiệp an ninh

4  Nhu cầu về một giải pháp chữa cháy gọn nhẹ, hiệu quả và tiết kiệm không gian

Việc trang bị hệ thống chữa cháy trong nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hiện cũng đang là một bài toán khó trong thực tế.  Tiêu chuẩn 3890 năm 2023 yêu cầu một số loại nhà và công trình cần phải trang bị hệ thống chữa cháy trong nhà và hệ thống chữa cháy tự động.  Trong đó lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy được tính theo tiêu chuẩn TCVN 2622 và TCVN 7336 khá lớn.  Tuy nhiên, đối với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (hầu hết là nhà mặt phố), diện tích để xây bể nước là rất hạn chế.  Ngay cả khi có diện tích để xây bể nước, việc cải tạo nền nhà để xây bể nước ngầm đối với các nhà mặt phố là bất khả thi vì điều kiện thi công không cho phép.

Trong những năm gần đây, ngày càng xảy ra nhiều các vụ cháy nghiêm trọng trong các khu nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở sản xuất kinh doanh mà nguyên nhân xuất phát từ khu vực để xe máy, xe đạp điện trong nhà.  Việc cần phải có một giải pháp chữa cháy và ngăn chặn cháy lan trở nên vô cùng bức thiết.

Tiêu chuẩn TCVN 13926 được ban hành đã tháo gỡ những khó khăn này, cho phép sử dụng thiết bị chữa cháy dạng đóng gói được sử dụng trong các nhà/công trình có chiều cao dưới 28 mét.

Đây cũng là giải pháp được các nước phát triển tiên tiến trên thế giới sử dụng.  Ví dụ như tại Hàn Quốc, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC tại Hàn Quốc ban hành tiêu chuẩn NFPC-103A, cho phép sử dụng hệ thống sprinkler dạng đơn giản trong các công trình nhỏ.  Tại Nhật, thiết bị chữa cháy dạng đóng gói được sử dụng phổ biến tại các nhà ở riêng lẻ, nhà cho thuê, các cửa hàng tiện ích và các loại nhà thấp tầng nói chung.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn rất tiến bộ, rất phù hợp với thực tế này đã được ban hành gần 2 năm nhưng hiện tại trên thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm hay giải pháp nào được giới thiệu để người dân có thể lựa chọn, lắp đặt và sử dụng.

Từ thực tế đó, Cục công nghiệp an ninh đã tổ chức phối hợp với các nhà khoa học, nghiên cứu và thử nghiệm hệ thống chữa cháy dạng đóng gói theo tiêu chuẩn TCVN 13926.  Hệ thống này sử dụng các công nghệ mới về nhận diện đám cháy, giám sát sát và điều khiển tự động chữa cháy.  Chất chữa cháy được sử dụng trong giải pháp có hiệu suất chữa cháy cao, cũng là một công nghệ mới trên thế giới.   Hệ thống được thiết kế để tối ưu hóa không gian, phù hợp với các khu vực để xe, khu vực sản xuất kinh doanh và phòng ở có quy mô diện tích nhỏ trong nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

hội thảo về thiết bị pccc công nghệ mới

hội thảo về thiết bị pccc công nghệ mới

5. Giới thiệu giải pháp chữa cháy dạng đóng gói

Thiết bị chữa cháy dạng đóng gói là một hệ thống bao gồm:

– bồn nước có dung tích 1000 lít, chứa dung dịch chữa cháy gốc nước.

– máy bơm cao áp

– hệ thống đường ống và các đầu phun dạng đầu phun hở

– hệ thống báo cháy tự động và các module giám sát, điều khiển

– tủ điều khiển trung tâm

(hình ảnh chi tiết trên slide trình chiếu)

Tuỳ theo từng thiết kế, hệ thống thiết bị này có thể thay thế hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà hoặc hệ thống chữa cháy tự động sprinkler, hoặc cả hai.

 

Giải pháp có các ưu điểm vượt trội như sau:

5.1  Tiết kiệm không gian

Trong các trung tâm đô thị, khả năng bố trí bể dự trữ nguồn nước chữa cháy đủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn là không thực tế.  Trong mô hình nhà ống cũng không có không gian phù hợp để bố trí trạm bơm chữa cháy.  Hệ thống đường ống và các thiết bị khác cũng sẽ làm giảm không gian sinh hoạt trong ngôi nhà vốn dĩ đã rất hạn hẹp.

5.2  Tiết kiệm thời gian lắp đặt

Với đa số công trình đã được đưa vào sử dụng từ trước, thời gian lắp đặt nếu sử dụng ống thép truyền thống sẽ gây nhiều phiền phức.  Thời gian thi công, kiểm tra, thử nghiệm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người trong nhà và hoạt động sản xuất – kinh doanh.

5.3  Tiết kiệm chi phí

Hầu hết các công trình có quy mô thấp tầng là nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hoặc doanh nghiệp nhỏ.  Việc trang bị trạm bơm chữa cháy và hệ thống sprinkler đầy đủ là một gánh nặng tài chính.  Đôi khi chi phí cho trạm bơm, thiết bị pccc, và hệ thống phun nước sprinkler có giá trị cao hơn toàn bộ phần còn lại của công trình.  Ngoài đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và bảo trì cũng là một gánh nặng cho chủ công trình.

5.4  Ứng dụng công nghệ mới

Các đầu phun sprinkler truyền thống thường phản ứng khá chậm với đám cháy.  Chúng cần chờ đợi tới khi không gian quanh đầu phun đạt tới nhiệt độ 68 độ C trong khoảng 1 – 2 phút mới bắt đầu làm việc. Thực tiễn yêu cầu phải vận dụng công nghệ mới nhất để cải thiện hiệu quả và độ tin cậy của việc phát hiện lửa, dập lửa, tối thiểu hoá chi phí đầu tư, vận hành, bảo trì hệ thống.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh tham quan gian hàng triển lãm thiết bị báo cháy do công ty Nam Triệu sản xuất

Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh tham quan gian hàng triển lãm thiết bị báo cháy do công ty Nam Triệu sản xuất

6. Kiến nghị

Chúng tôi có 2 kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước như sau:

6.1  Bỏ quy định kiểm định chất lượng theo lô đối với phương tiện PCCC sản xuất trong nước

Quy định về việc kiểm định chất lượng đối với phương tiện PCCC là cần thiết.  Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét phương án kiểm định mẫu, đánh giá quy trình sản xuất và quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất trong nước.

Đây cũng là cách thức mà các tổ chức đánh giá chất lượng uy tín trên thế giới đang làm.  Nếu làm được như vậy, một mặt vẫn đảm bảo quản lý được chất lượng phương tiện PCCC lưu thông trên thị trường, một mặt tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, quy trình kiểm định chất lượng phương tiện PCCC nói chung và kiểm định chất lượng thiết bị báo cháy nói riêng đang rất chi tiết, dẫn đến việc một lô sản phẩm thiết bị báo cháy – sau khi xuất xưởng – phải mất hơn 60 ngày cho các thủ tục kiểm định về kỹ thuật và chờ đợi dán tem kiểm định lên sản phẩm trước khi lưu thông.  Điều này làm tăng gánh nặng và giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

 

6.2 Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu đối với hệ thống báo cháy không dây và thiết bị chữa cháy dạng đóng gói.

 Trong quá trình triển khai thu thập thông tin, nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều người, trong đó có cả cán bộ chiến sĩ cảnh sát PCCC, nhầm lẫn giữa hệ thống báo cháy không dây và thiết bị báo cháy cục bộ.

Theo nội dung của các tiêu chuẩn Việt Nam đã nói ở trên, hệ thống báo cháy tự động không dây cần được hiểu chính xác là một hệ thống báo cháy tự động, tức là gồm đầy đủ các thành phần như tủ điều khiển trung tâm, chuông – đèn – nút nhấn, các loại đầu báo … trong đó sử dụng bộ phận liên kết là sóng vô tuyến.

Và thiết bị báo cháy cục bộ cần được hiểu theo đúng định nghĩa trong TCVN 3890 là Thiết bị tự động phát hiện cháy và cảnh báo cháy bằng âm thanh, được liên kết với nhau, đảm bảo tất cả cùng phát tín hiệu báo cháy khi có một thiết bị được kích hoạt.

Ở rất nhiều địa phương, cảnh sát PCCC và lực lượng công an phường, xã chỉ cho phép sử dụng thiết bị báo cháy có dây thông thường trong các nhà / công trình từ 5 tầng trở lên.  Không cho phép sử dụng hệ thống báo cháy tự động không dây vì coi đó là thiết bị báo cháy cục bộ.

Và gần như 90% cán bộ chiến sĩ mà chúng tôi khảo sát đều chưa nắm được chi tiết về tiêu chuẩn 13926 đối với thiết bị chữa cháy dạng đóng gói.

Như vậy, những tiêu chuẩn mang tính thời sự, cập nhật với tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết những nhu cầu thực tế đang cấp thiết chưa thể thực sự đến với người dân.

VNPT và H08 ký kết biên bản ghi nhớ-min

VNPT và H08 ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi số



source https://pccc.vn/thiet-bi-bao-chay-khong-day-cuc-cong-nghiep-an-ninh-h08/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PCCC Việt Nam - nhà cung cấp thiết bị PCCC uy tín hàng đầu

Nghị định 136/2020/NĐ-CP – Cập nhật tháng 1 năm 2024

Hệ thống báo cháy bằng camera AI - đầu báo cháy video