Bảo quản – bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và CNCH cơ giới theo Thông tư 17
PHỤ LỤC I – BẢO QUẢN, BẢO DƯỠNG PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CƠ GIỚI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2021/TT-BCA ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an)
I. Bảo quản phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày
-
Xe chữa cháy, xe chuyên dùng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Kiểm tra trực quan:
– Hệ thống gương chiếu hậu, hệ thống kính chắn gió;
– Mức nhiên liệu, bổ sung nhiên liệu trong bình chứa nếu thiếu (bình chứa phải luôn đầy hoặc ít nhất là 4/5 dung tích bình);
– Sự rò rỉ dầu bôi trơn động cơ, hộp số, hộp trích công suất và dung dịch làm mát, dầu thủy lực của hệ thống nâng hạ cabin (nếu có);
– Mức dầu bôi trơn động cơ, dầu bôi trơn hộp trích công suất, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, dầu trợ lực lái, dầu trợ lực ly hợp, trợ lực phanh, dầu thủy lực của hệ thống chuyên dùng (nếu có);
– Mỡ bôi trơn trục các đăng xe và trục các đăng truyền lực cho hệ thống chuyên dùng;
– Tình trạng khung xe, các lá nhíp, giảm xóc, thanh cân bằng,… nếu có hiện tượng biến dạng, hư hỏng phải dừng hoạt động để tiến hành sửa chữa;
– Tình trạng toàn bộ lốp xe;
– Hoạt động của các cửa kéo khoang chứa, các cơ cấu nâng, hạ thiết bị;
– Tình trạng của thang, các trang thiết bị đặt trên nóc xe;
– Dầu bơm chân không mồi nước (đối với bơm mồi là bơm cánh gạt sử dụng dầu để bôi trơn và làm kín hoặc bơm pít tông); kiểm tra bình nước mồi bơm chân không đối với bơm mồi là bơm vòng nước);
– Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín;
– Téc nước chữa cháy, téc chất tạo bọt chữa cháy, bảo đảm téc chứa không bị biến dạng, rò rỉ. Téc nước, téc chất tạo bọt luôn đầy dung tích, bảo đảm nước sạch, chất tạo bọt không bị pha trộn với các loại chất lỏng khác;
– Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trang bị theo xe, máy bơm như lăng, vòi, ba chạc, thang… bảo đảm đủ cơ số theo thiết kế và chất lượng kỹ thuật.
b) Kiểm tra hoạt động:
– Quan sát đèn, đồng hồ của bảng táp lô có tín hiệu bình thường thì khởi động động cơ; nếu có đèn báo sự cố thì phải tìm nguyên nhân để xử lý;
– Sau khi khởi động động cơ không tải từ 01 phút đến 03 phút, cho động cơ chạy ở tốc độ vòng quay khác nhau (nhưng không tăng ga đột ngột); quan sát chỉ số của các đồng hồ báo áp suất dầu bôi trơn, nhiên liệu, nhiệt độ nước làm mát, áp suất khí nén, đồng hồ hoặc đèn báo nạp điện cho ắc quy, đèn báo sự cố khác. Nếu phát hiện động cơ có tiếng kêu lạ hoặc khi đồng hồ, đèn báo có tín hiệu cảnh báo nguy hiểm thì phải tắt máy ngay và báo cho bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa;
– Tình trạng hoạt động của các loại đèn, còi tín hiệu giao thông, thiết bị phát tín hiệu ưu tiên. Nếu phát hiện có hư hỏng phải báo bộ phận kỹ thuật để kiểm tra, sửa chữa;
– Tình trạng các dây dẫn điện, đầu cực ắc quy;
– Tình trạng hoạt động của các công tắc, các cảm biến, van điều khiển… thuộc hệ thống điều khiển các thiết bị chuyên dùng trên xe;
– Hệ thống ly hợp bảo đảm khi thao tác sang số, không có tiếng kêu lạ;
– Tình trạng hoạt động của các tay gạt điều khiển thiết bị chuyên dùng, dây ga tay…;
– Độ kín của hệ thống phanh thông qua quan sát đồng hồ áp suất hơi hoặc dầu và các đèn báo; xả nước ở bình chứa hơi (nếu có);
– Tình trạng hoạt động của phanh dừng, đỗ (phanh tay);
– Cho xe tiến, lùi, đạp phanh để đánh giá hiệu lực của hệ thống phanh;
– Khả năng vận hành của hệ thống trợ lực lái, độ rơ của vô lăng lái, độ nặng khi đánh lái;
– Quá trình vận hành của bộ trích công suất (PTO), hệ thống truyền lực đến bơm ly tâm, nếu bộ trích công suất có tiếng kêu lạ, rò rỉ dầu bôi trơn, trục truyền lực đến bơm ly tâm bị rung lắc thì phải ngừng sử dụng và tìm nguyên nhân khắc phục;
– Sự hoạt động của hệ thống bơm nước, cụ thể: Kiểm tra độ kín của van phun nước, van mở chất tạo bọt, van khí, các đồng hồ, đèn báo; kiểm tra mỡ làm kín và bôi trơn trục bơm (nếu có), các cơ cấu chuyển động xoay;
– Độ kín của bơm chữa cháy (đóng kín tất cả các van của bơm, nắp đậy họng hút, thực hiện động tác hút chân không cho bơm đạt độ chân không tối đa, thời gian hút chân không không quá 30 giây. Ngừng hút chân không, quan sát đồng hồ chân không, nếu trong 02 phút kim đồng hồ không giảm về quá 01 vạch (tương ứng với 0,1 bar) là bơm bảo đảm độ kín; nếu kim trả về nhanh hơn là bơm bị hở, phải tìm nguyên nhân để khắc phục;
– Khả năng làm việc của bơm chân không mồi nước bằng cách thực hiện thao tác hút chân không, yêu cầu trị số áp suất chân không phải đạt ít nhất -0,6 bar (6/10 vạch chỉ số trên đồng hồ hạ áp), nếu thấp hơn phải bảo dưỡng, sửa chữa bơm chân không mồi nước;
– Tình trạng hoạt động của hệ thống chữa cháy sử dụng công nghệ bọt khí nén (nếu có): Kiểm tra độ kín của máy nén khí cung cấp khí nén cho hệ thống chữa cháy công nghệ bọt khí nén, kiểm tra tình trạng hoạt động của các van, công tắc điều khiển của hệ thống;
– Các cơ cấu thủy lực nâng, hạ, quay, cơ cấu tời, cẩu, cơ cấu ra thang, vào thang, giỏ thang; cơ cấu nâng hạ, xoay của tháp đèn chiếu sáng; máy phát điện, các cơ cấu bảo đảm an toàn… Nếu phát hiện hỏng hóc, sự cố, cần yêu cầu bộ phận kỹ thuật phối hợp kiểm tra, khắc phục;
– Hằng ngày thực hiện khởi động động cơ một lần trong 15 phút. Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động được thực hiện 02 lần/ngày để thực hiện các bước kiểm tra theo quy định (có thể kết hợp cho phương tiện di chuyển trong khoảng cách tương đương với lượng nhiên liệu khởi động động cơ tại chỗ).
-
Tàu, xuồng, ca nô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
a) Kiểm tra trực quan:
– Hệ thống nhiên liệu, bôi trơn, làm mát;
– Tình trạng bình ắc quy, các dây dẫn điện;
– Téc chất tạo bọt chữa cháy, bảo đảm téc chứa không bị biến dạng, rò rỉ, dung tích chất tạo bọt;
– Vỏ xuồng bơm hơi, nếu thấy hiện tượng bong mép dán, thủng hoặc mài mòn sâu phải ngừng sử dụng và có biện pháp khắc phục.
b) Kiểm tra hoạt động:
– Tình trạng kỹ thuật của động cơ tàu, xuồng, ca nô;
– Hệ thống lái, thiết bị dẫn đường, đèn, còi tín hiệu, số lượng các trang thiết bị kèm theo;
– Hệ thống bơm nước chữa cháy trang bị theo tàu, xuồng, ca nô; kiểm tra đường ống, vòi và lăng phun;
– Hằng ngày khởi động động cơ tàu, xuồng, ca nô một lần trong 15 phút để kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được thực hiện 02 lần/ngày.
-
Máy bơm chữa cháy
a) Kiểm tra trực quan:
– Toàn bộ các mũ ốc, vít;
– Mức nhiên liệu, dầu bôi trơn bảo đảm đủ, sạch, không bị rò rỉ;
– Hệ thống dây dẫn điện, bình ắc quy;
– Tình trạng bộ phận dẫn động bơm gây chân không mồi nước;
– Ống hút nước không bị cong gập, thủng, có đủ gioăng, đệm, các đầu nối khi lắp vào nhẹ nhàng, kín;
b) Kiểm tra hoạt động:
– Tình trạng hoạt động của động cơ máy bơm (Khởi động động cơ bơm, cho khởi động động cơ ở tốc độ không tải tối đa từ 02 phút đến 03 phút);
– Tình trạng hoạt động của máy bơm chữa cháy tại nơi có nguồn nước, triển khai ống hút. Đóng kín van họng phun. Khởi động động cơ (sử dụng hệ thống khởi động bằng điện hoặc dây giật tự cuốn), khi máy nổ thì tăng dần ga, đồng thời thực hiện thao tác hút nước. Quan sát đồng hồ chân không và đồng hồ áp lực nước (nếu trong vòng 30 giây mà hút nước không lên thì phải tắt máy và kiểm tra, sửa chữa khôi phục độ kín của bơm mới được tiếp tục thao tác hút nước). Khi thấy nước chảy qua bơm gây chân không thành dòng liên tục đồng thời kim đồng hồ áp lực nước tăng lên từ 02 bar đến 03 bar thì ngắt bơm chân không, từ từ tăng ga và mở van họng phun nước. Trong quá trình vận hành bơm, luôn duy trì áp suất nước không thấp hơn 4 bar để bảo đảm làm mát cho bơm (đối với máy bơm làm mát bằng nước);
– Thời gian khởi động động cơ hàng ngày tối đa một lần trong 03 phút (nếu không phun, hút nước) hoặc 15 phút (nếu có hút, phun nước). Khi nhiệt độ môi trường trong ngày thấp hơn 10°C, việc khởi động động cơ được thực hiện 02 lần/ngày, kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất. Trong quá trình sử dụng không điều chỉnh cần điều khiển bộ điều tốc vì sẽ làm hư hỏng động cơ máy bơm. Đối với các máy bơm chữa cháy có lắp công tắc cảnh báo quá nhiệt động cơ, phải luôn để công tắc ở vị trí mở “ON”.
-
Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác: Máy nạp khí sạch; thiết bị cưa, cắt, khoan, đục, đập, tời, kéo, banh, kích, nâng (có sử dụng động cơ); thiết bị xử lý thực bì (máy cắt thực bì, máy cắt cỏ); quạt thổi khói; quạt hút khói; máy phát điện; máy thổi gió, bình chữa cháy đeo vai có động cơ các loại
a) Kiểm tra trực quan:
– Lọc gió động cơ, dây cao áp, chế hòa khí;
– Bề mặt các chi tiết máy, nếu thấy hiện tượng nứt, chảy dầu thì phải ngừng sử dụng, lên phương án khắc phục;
– Các mối nối; kiểm tra chất lượng của ống dẫn khí, ống dẫn dầu thủy lực, các khớp nối;
– Các vật tư tiêu hao như lọc khí, dầu dùng cho khối nén khí (đối với máy nạp khí sạch), dây đai dẫn động, lưỡi cưa, lưỡi banh, cắt, mũi khoan…;
– Mức dầu thủy lực, nhiên liệu trong bình chứa, lưu ý pha trộn nhiên liệu theo đúng tỉ lệ được nhà sản xuất khuyến cáo.
b) Kiểm tra hoạt động:
– Hệ thống khởi động, các công tắc và đồng hồ, đèn báo;
– Hằng ngày khởi động động cơ trong 05 phút; đối với máy nạp khí sạch, khởi động 02 lần mỗi tuần, mỗi lần 05 phút.
- Bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày
- Xe chữa cháy, xe chuyên dùng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- a) Làm sạch phương tiện, sắp xếp gọn gàng, kiểm tra số lượng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên xe theo đúng quy định.
- b) Làm sạch buồng lái, đệm, ghế ngồi, lốp xe, thân xe, gầm xe, khoang đặt bơm chữa cháy, khoang điều khiển thiết bị, ngăn chứa phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- c) Lau sạch kính chắn gió, chổi gạt nước mưa, gương chiếu hậu, các loại đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu.
- d) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát….
đ) Bổ sung dung dịch làm mát động cơ, các loại dầu mỡ bôi trơn, dầu thủy lực nếu thiếu.
- e) Bắt chặt các dây dẫn điện, đầu cực ắc quy.
- g) Lốp xe nếu thiếu hơi phải bơm hơi tới áp suất tiêu chuẩn; gỡ những vật cứng mắc vào các kẽ lốp. Nếu trên bề mặt lốp có hiện tượng rạn nứt, vết xước sâu, phồng rộp thì phải thay thế lốp.
- h) Bắt chặt các điểm liên kết bằng ốc vít (nếu có hiện tượng bị nới lỏng), bôi trơn các khớp khóa, nếu có hiện tượng rỉ sét phải làm sạch bề mặt và sơn chống rỉ.
- Tàu, xuồng, ca nô chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- a) Lau sạch các bộ phận máy, vệ sinh mặt boong và các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên tàu, xuồng, ca nô.
- b) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát….
- c) Vệ sinh, bắt chặt các cực của ắc quy.
- d) Đối với xuồng bơm hơi để trên cạn:
– Để xuồng ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và các chất hóa học có khả năng ăn mòn; nếu xuồng để ngoài trời phải có biện pháp bảo vệ tránh mưa, nắng;
– Sử dụng xà phòng và nước để vệ sinh vỏ xuồng. Khi có vết bẩn khó tẩy có thể làm sạch bằng chất tẩy rửa và phải rửa lại vỏ xuồng bằng nước sạch;
– Làm sạch van khí, thanh chắn ngang; thường xuyên kiểm tra bơm hơi, nạp đầy điện cho bơm hơi (đối với loại xuồng có bơm hơi bằng điện).
- Máy bơm chữa cháy
- a) Vệ sinh, làm sạch bề mặt các chi tiết máy, hệ thống bơm chữa cháy và các van hút, phun nước, van luân lưu làm mát….
- b) Bắt chặt các bộ phận, các mối liên kết, các chi tiết, các đầu dây điện.
- c) Bắt chặt bình điện với giá đỡ, bắt chặt các cực của ắc quy, sạc lại bình ắc quy ngay sau mỗi lần sử dụng (đối với ắc quy không nạp điện trực tiếp từ động cơ).
- d) Bổ sung dầu bôi trơn cho bơm gây chân không (nếu có) bằng dầu phù hợp trong và sau khi sử dụng.
- Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác
- a) Vệ sinh sạch sẽ các chi tiết máy, các bề mặt bị rỉ sét phải được làm sạch và sơn chống rỉ.
- b) Bổ sung dầu máy của động cơ nếu thiếu hoặc thay thế nếu dầu đã quá bẩn, loãng hoặc bị lẫn nước.
- c) Bổ sung dầu thủy lực của các máy thủy lực nếu thiếu.
- d) Điều chỉnh độ căng của dây curoa dẫn động.
đ) Xiết chặt các mũ ốc vít.
- Kết thúc việc bảo quản, bảo dưỡng, cán bộ, chiến sĩ, người được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng phải ghi chép đầy đủ nội dung công việc vào sổ theo dõi hoạt động phương tiện. Nếu phát hiện bộ phận của phương tiện bị mất, hư hỏng phải báo cáo lãnh đạo quản lý trực tiếp để kịp thời xử lý.
III. Bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới sau khi phục vụ huấn luyện, thực tập phương án hoặc đi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
-
Kiểm tra
Thực hiện các công việc kiểm tra phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới hằng ngày.
- Bảo quản, bảo dưỡng
a) Mở hết các van hút, phun nước, van xả đáy guồng bơm để xả hết nước đọng trong bơm chữa cháy.
b) Bổ sung đầy đủ chất chữa cháy vào téc chứa của xe chữa cháy.
c) Bộ phận ly hợp, phanh, hộp số, hộp trích công suất, tay lái, trục các- đăng, cầu trước, cầu sau, mặt lốp và áp suất hơi lốp xe….
d) Tình trạng bên ngoài xe, vặn chặt ốc, bu lông bánh xe, may ơ….
đ) Mức dầu bôi trơn, dầu thủy lực, nước làm mát, nhiên liệu để bảo đảm không bị rò rỉ; đổ thêm dầu, nước, nhiên liệu đúng tiêu chuẩn quy định.
e) Độ căng của dây đai quạt gió, dây đai quạt máy nén khí, tình trạng bình ắc quy, đèn, còi.
g) Tình trạng kỹ thuật của lăng, vòi phun, vòi hút, giỏ lọc nước, thang, mặt nạ phòng độc cách ly… và lau chùi sạch sẽ các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sắp xếp đúng vị trí ở khoang chứa phương tiện.
h) Rửa sạch bên ngoài xe, dưới gầm; vệ sinh máy bơm, động cơ, ca bin, đèn chiếu sáng,….
i) Giặt sạch, phơi khô vòi chữa cháy và các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác.
3. Trường hợp phương tiện chữa cháy cơ giới có sử dụng nước mặn, nước bẩn hoặc chất tạo bọt chữa cháy thì phải vệ sinh, rửa sạch phương tiện, hệ thống bơm chữa cháy bằng nước sạch.
4. Trường hợp phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tham gia hoạt động trong vùng có dịch bệnh hoặc chất độc, phóng xạ phải được khử trùng, tiêu độc theo quy định.
5. Đối với các loại phương tiện cơ giới khác, cần làm sạch các chi tiết máy, kiểm tra các ống dẫn dầu thủy lực, khí nén, bổ sung nhiên liệu, dầu bôi trơn nếu thiếu; kiểm tra, thay thế các vật tư tiêu hao theo quy định của nhà sản xuất./.
Bài viết Bảo quản – bảo dưỡng phương tiện chữa cháy và CNCH cơ giới theo Thông tư 17 đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Nhà sản xuất thiết bị báo cháy FireSmart.
from Nhà sản xuất thiết bị báo cháy FireSmart https://ift.tt/UOPAXtk
Nhận xét
Đăng nhận xét