HỖ TRỢ SẢN XUẤT PHƯƠNG TIỆN PCCC TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH

HỖ TRỢ SẢN XUẤT PHƯƠNG TIỆN PCCC TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH

VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN CẢNH SÁT PCCC & CNCH TRONG VIỆC HỖ TRỢ, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT PHƯƠNG TIỆN PCCC & CNCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tham luận của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại hội thảo ngày 20.12.2022 do Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam tổ chức

Về đặc điểm tự nhiên, dân số, kinh tế – xã hội

– Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, bao gồm: 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích vào khoảng 2.095 km2 . Theo kết quả điều tra dân số sơ bộ vào năm 2021 thì dân số thành phố là 9.166.800 người (chiếm 9,3% dân số Việt Nam), mật độ dân số trung bình 4.375 người/km² (cao nhất cả nước).

– Đặc điểm khí hậu: Nhiệt độ trong không khí tại Hồ Chí Minh đạt ngưỡng trung bình là 27 độ C. Trong đó, nhiệt độ cao nhất đạt 40 độ C và thấp nhất khoảng 14,8 độ C. Tháng 4 là tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất rơi vào khoảng 29 độ C. Giữa tháng 12 và đầu tháng 1 là thời điểm mức nhiệt độ ở thành phố Hồ Chí Minh là thấp nhất khoảng 26 độ C. Thành phố Hồ Chí Minh có lượng mưa cao, bình quân đạt 1949mm mỗi năm. Năm cao nhất là năm 1908 khi lượng mưa đạt 2718mm và nhỏ nhất vào năm 1958 với lượng mưa là 1392mm. Số ngày mưa trung bình tại đây là 159 ngày. Trong đó lượng mưa vào mùa mưa chiếm 90% từ tháng 5 đến tháng 11. Lượng mưa phân bố không đều trên toàn thành phố, thường có khuynh hướng tăng theo trục Tây Nam, độ ẩm bình quân xấp xỉ 79,5% mỗi năm.

– Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có trên 300.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 39.409 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trong đó có trên 13.026 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 1.991 khu dân cư; nhiều công trình và cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa như các cơ quan ngoại giao của nước ngoài, các Tổng kho xăng dầu, cơ sở hóa chất, do vậy, nhu cầu sử dụng điện, khí đốt, các chất dễ cháy trong sản xuất và tiêu dung luôn được duy trì ở mức độ cao và có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây; hệ thống lưới điện ở một số khu vực, đặc biệt là trong khu dân cư và các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ được sử dụng bằng hình thức câu, mắc, không đảm bảo an toàn về PCCC; hệ thống trụ nước chữa cháy tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu đặt ra theo Dự án quy hoạch ngành PCCC,… đặt ra cho lực Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nói riêng nhiệm vụ hết sức nặng nề.

 

Tình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Theo số liệu thống kê cháy 5 năm gần đây (từ 2018 đến 2022 ) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 1.513 vụ cháy, số vụ cháy đã được kiềm chế và kéo giảm từ 495 vụ cháy (năm 2018) giảm còn 176 vụ cháy (năm 2022). Số người chết: 80 người, số người bị thương 174 người. Tổng thiệt hại ước tính khoảng: 82.72 tỷ đồng. Điều này thể hiện nguy cơ về cháy luôn tiềm ẩn và có diễn biến phức phức tạp. Đối với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được kiện toàn cơ cấu, tổ chức và trang bị phương tiện nhưng trang thiết bị, dụng cụ phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhiệm vụ công tác được giao.

Xuất phát từ những tình hình trên, đòi hỏi phải xây dựng, nâng cao năng lực Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là đầu tư mua sắm, sản xuất các Phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố.

 

Thực trạng trang bị của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh, công tác đầu tư, mua sắm phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

3.1. Thực trạng trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

– Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh đang quản lý và sử dụng 260 đầu phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các loại (trong đó 112 xe chữa cháy các loại, 20 xe thang, 04 xe trạm bơm, 33 xe chỉ huy, 37 xe chở quân, 03 xe phá dỡ, 15 xe cứu nạn, cứu hộ, 16 xe phục vụ chữa cháy, 20 phương tiện tàu xuồng, bến nổi các loại), 104 máy bơm chữa cháy, các trang thiết bị chuyên dùng,…

– Hiện nay các phương tiện chủ lực phục vụ cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị hư hỏng chiếm tỉ lệ khá lớn (xe chữa cháy và xe thang) gây ảnh hưởng lớn đến công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu: xe chữa cháy các loại (hư hỏng: 38 chiếm tỉ lệ 33.93%), xe thang (hư hỏng: 11 chiếc chiếm tỉ lệ 55%), xe trạm bơm (hư hỏng: 01 chiếc chiếm tỉ lệ 25%), xe cứu nạn, cứu hộ (hư hỏng: 05 chiếc chiếm tỉ lệ 33.34%), tàu chữa cháy ( hư hỏng: 01 chiếc chiếm tỉ lệ 33.34%) xuồng chữa cháy (hư hỏng: 08 chiếc tỉ lệ 47.06%),..

– Đa số các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh có niên hạn sử dụng lâu năm các phương tiện đã xuống cấp tuy nhiên vẫn phải tận dụng khai thác phục vụ công tác chữa cháy và cúu nạn cúu hộ nên hiệu quả chiến đấu không cao; các phương tiện thường xuyên hư hỏng, kinh phí sửa chữa lớn như các xe thang Iveco, xe chữa cháy Kamaz, Zin,…

– Ngoài ra, các phương tiện công nghệ mới như xe thang, xe chữa cháy đa năng và phá dỡ công trình, xe chữa cháy đường hầm 2 đầu, xe xử lý độc hại môi trường cháy, xe chữa cháy công nghệ CAFS đều là các phương tiện đặc chủng, hầu hết có xuất xứ từ các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật các nước châu Âu nên vật tư, thiết bị dùng trong bảo trì là loại đặc chủng, tại Việt Nam chưa sản xuất hoặc chưa có loại tương đương để thay thế. Đồng thời do nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau nên phương tiện chữa cháy thiếu đồng bộ về chủng loại, gây khó khăn trong việc thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng.

– Các loại trang thiết bị chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bố trí trên xe như: lăng, vòi, máy hút khói, máy phát điện, đệm hơi cứu hộ tương đối đầy đủ, đảm bảo chất lượng, các trang bị cá nhân như đèn pin, mặt nạ phòng độc, quần áo chống nóng, ủng, nón, găng tay,.. là phù hợp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tuy nhiên chất lượng trang phục bảo hộ còn chưa cao, khả năng chống nóng cũng như bảo vệ người chiến sỹ thấp dễ bị hư hỏng khi vào chữa cháy trong điều kiện môi trường hóa chất và chất cháy ăn mòn.

3.2. Công tác đầu tư, mua sắm của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ – Công an Thành phố Hồ Chí Minh

Được sự quan tâm của Bộ Công an và UBND TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ TP. Hồ Chí Minh đã được ưu tiên trang bị, đầu tư các dự án mua sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện đại như: xe thang chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, robot chữa cháy, xe chữa cháy công nghệ tiên tiến, xe bán tải chở phương tiện, xe chỉ huy, xe tải chở phương tiện, trang thiết bị cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng, thiết bị radar dò tìm nạn nhân trong đống đổ nát, thiết bị banh cắt thủy lực, máy sang nạp khí thở, mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc, trang phục cách nhiệt (chống cháy), vòi chữa cháy, mô hình huấn luyện FIRE BLASH, thiết bị đo vận tốc gió, thiết bị đo áp suất không khí, máy cắt đa năng, máy đo độ dày lớp phủ Postest DEF, thiết bị đo cường độ âm thanh, thiết bị đo cường độ ánh sáng, bộ dụng cụ phá dỡ đa năng, Phục vụ trang bị cho các lực lượng trực tiếp thường trực chiến đấu.

Tuy nhiên, do các phương tiện trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc lĩnh vực đặc thù, Do là hàng nhập khẩu nên giá thành cao hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước, xuất xứ từ các quốc gia như Mỹ, Nhật các nước châu Âu, nên việc thay thế bảo trì gặp nhiều khó khăn. Ngoài một số vật tư, thiết bị thông dụng có thể sản xuất hàng loạt như  trụ nước chữa cháy, bọt chữa cháy, đầu nối chữa cháy, vòi chữa cháy…, các loại phương tiện khác như xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, xe téc bơm chữa cháy, thiết bị đo cường độ ánh sáng, âm thanh, radar dò tìm nạn nhân, robot chữa cháy, bộ dụng cụ phá dỡ đa năng, máy sang nạp khí thở….chưa thể sản xuất trong nước, đều phải nhập khẩu theo đơn đặt hàng.

3.3 Công tác nghiên cứu, sản xuất phương tiện PCCC, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các doanh nghiệp trong nước.

– Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít địa phương tập trung nhiều các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này là đơn vị nhập khẩu hoặc kinh doanh thương mại. Các đơn vị sản xuất nếu có là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công hoặc đơn vị gia công, lắp rắp phương tiện PCCC có dây chuyền công nghệ cũ nên chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng này.

– Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất còn thấp, trình độ công nghệ hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phương tiện PCCC, năng lực về vốn, … nên dẫn đến chất lượng sản phẩm và giá thành khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Công nghiệp PCCC trong nước chưa được các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế (các doanh nghiệp) quan tâm đầu tư đúng mức, số lượng các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực công nghiệp PCCC còn khiêm tốn, thị trường, nguồn “cung” phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đầu tư, phát triển công nghiệp PCCC vẫn là “khoảng trống” đặt ra

– Thời gian gần đây đã có một số công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như: Bình chữa cháy, trụ nước chữa cháy, Bọt chữa cháy, đầu nối chữa cháy, vòi chữa cháy, xe téc bơm chữa cháy, xe chở phương tiện chữa cháy, xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, thiết bị truyền tin báo cháy … Đối với các công ty sản xuất, lắp ráp xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, hầu hết mới  chỉ sản xuất được phần thân vỏ, còn phần chuyên dùng và các trang thiết bị theo xe vẫn phải nhập từ nước ngoài về để lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, chất lượng chưa bằng phương tiện cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài nên mặc dù giá bán cạnh tranh nhưng chưa chinh phục được khách hàng trong nước, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

sản xuất phương tiện pccc tại Việt Nam

Kiến nghị đề xuất:

–  Thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước và Bộ Công an , UBND Thành phố về việc xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ TP. Hồ Chí Minh chính quy, hiện đại. Do đó nhu cầu trang bị trong thời gian tới là rất lớn, cần phải tập trung đầu tư các phương tiện, trang thiết bị hiện đại; đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nước theo hướng hiện đại nhằm từng bước chủ động nguồn cung cấp trong nước. Khi triển khai thực hiện các dự toán mua sắm, dự án đầu tư phương tiện trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các tỉnh, thành phố nên ưu tiên đầu tư mua sắm các phương tiện trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mà các nhà sản xuất ở trong nước đã sản xuất được như: ô tô chữa cháy, ô tô cứu nạn cứu hộ, xe chở nước chữa cháy, xe chở phương tiện, bọt chữa cháy, các loại vòi, đầu nối vòi chữa cháy để thuận lợi trong việc thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng (khi có hư hỏng, kiểm tu).

–  Các Nhà sản xuất phương tiện trang thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nước:

+ Với các loại trang thiết bị, vật tư tiêu hao như bọt chữa cháy, bình bột chữa cháy, vòi chữa cháy, đầu nối chữa cháy…cần tập trung đầu tư về công nghệ, mở rộng sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường để có sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất; Nghiên cứu, từng bước sản xuất các phương tiện phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khác hiện trong nước chưa sản xuất được như xe thang chữa cháy, máy nạp khí thở, bộ mặt nạ phòng độc cách ly, thiết bị phá dỡ thủy lực; Đầu tư nghiên cứu sản xuất các loại thiết bị công nghệ cao.

+ Với các loại phương tiện như xe chữa cháy, xe cứu nạn cứu hộ, cần chủ động nghiên cứu nắm bắt nhu cầu, xu hướng mua sắm của các chủ đầu tư để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp yêu cầu sử dụng; đầu tư, nghiên cứu đổi mới dây chuyền  công nghệ sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao để có sản phẩm chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh, chế độ bảo hành, bảo trì tốt.

+ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các đề tài khoa học, các giải pháp kỹ thuật mới, hiện đại, có tính khả thi cao; Chuyển giao công nghệ sản xuất về phương tiện, trang thiết bị, vật tư chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ưu tiên chuyển giao cho các đơn vị sản xuất thuộc Bộ Công an để tạo điều kiện phát triển ngành Công nghiệp an ninh.

Đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp PCCC là nhu cầu tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác của lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và nhu cầu dân sinh, cần quan tâm, ưu tiên xây dựng triển khai các đề án, dự án mới về đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền máy móc trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, tạo tiền đề, nền tảng phát triển công nghiệp PCCC.

 

Tham khảo thêm các bài tham luận trong cùng hội thảo

*  PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PCCC – NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

*  XÂY DỰNG HỆ THỐNG LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PCCC & CNCH

*  PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PCCC & CNCH TẠI VIỆT NAM

Bài viết HỖ TRỢ SẢN XUẤT PHƯƠNG TIỆN PCCC TRÊN ĐỊA BÀN TP HỒ CHÍ MINH đã xuất hiện đầu tiên vào ngày FireSmart .



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PCCC Việt Nam - nhà cung cấp thiết bị PCCC uy tín hàng đầu

Nghị định 136/2020/NĐ-CP – Cập nhật tháng 1 năm 2024

Hệ thống báo cháy bằng camera AI - đầu báo cháy video